6/16/2015

Bài 4: Cách đặt tên thương hiệu cho Spa

Một cái tên hay là một cách rất tốt để bắt đầu


Hãy ngẫm lại xem, cũng chỉ là một cái túi xách, một sản phẩm thông thường bán chỉ hơn 100,000 VND. Nhưng với cái tên Vascara, giá của nó khoảng 499,000 VND, nhưng nếu nó là Charles & Keith, giá của nó sẽ giao động trên dưới 1,500,000 VND, và còn hơn thế nữa nếu nó có tên là Channel hay đại loại là vậy!

Thật sự đứng đằng sau những cái tên ấy là biết bao nhiêu là nỗ lực. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, quyết định quan trọng nhất trong việc xây dựng một thương hiệu mà bạn đề ra là đặt tên cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Bởi trong dài hạn, một nhãn hiệu chẳng qua cũng là một cái tên.

Trong ngắn hạn, một nhãn hiệu cần một ý tưởng hoặc khái niệm duye nhất để sống còn (product concept). Nó phải là nhãn hiệu đầu tiên trong một ngành hàng mới. Nó cần sở hữu một từ trong tâm trí khách hàng.

Trong dài hạn, ý tưởng hoặc khái niệm duy nhất sẽ biến mất. Tất cả những gì còn lại đó là sự khác biệt giữa tên thương hiệu của bạn và tên thương hiệu của các đối thủ cạnh tranh khác cảu bạn.

Read Bull là nước tăng lực đầu tiên trên thế giới. Nó được xây dựng trên ý tưởng "giúp người uống cảm thấy phấn chấn hơn và tỉnh táo hơn, làm cho người uống cảm thấy căng tràng sức mạnh để làm những việc nặng nề một cách nhẹ nhàng". Tuy nhiên, ngày càng nhiều đối thủ xuất hiện với cùng tính năng tương tự. Sự thật là rất khó để nói lên sự khác biệt giữa Read Bull và các đôi thủ khác. Lúc này sự khác biệt giữa các nhãn hiệu không nằm trong sản phẩm, mà là nằm trong các cái tên sản phẩm. Hoặc đúng hơn trong nhận thức về các cái tên.

Thậm chí tên của một thương hiệu còn có thế trở thành tên chung của ngành hàng nữa. Ở Việt Nam chung ta, có khi nào bạn nói bạn đi xe máy không? thường thì bạn sẽ nói là mình đi xe Honda, mặc dù là bạn chạy xe Nouvo của Yamaha.

Viết dài vậy, tôi chỉ muốn nói lên rằng một cái tên tốt thật sự là rất quan trọng trong việc nhanh hay chậm, tồn tại lâu hay ngắn hạn, dễ nhớ hay dễ quên trong tâm trí khách hàng. Do đó, việc đầu tiên chúng ta cần làm là đặt một cái tên thật ấn tượng.

Cách đặt một cái tên hay cho Spa

1. Đặt tên theo điểm khác biệt, điểm mạnh, hay lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ.

Điều này phải khen tặng các công ty Đa Cấp vì họ có cách đặt những cái tên rất hay và ấn tượng. Nuskin là tên một công ty mỹ phẩm của Mỹ, viết tắt của "Nutrition for skin" có nghĩa là Dinh dưỡng cho da. Herbal Life nghĩa là thảo dược mang đến cuộc sống tươi đẹp.

Có thể Spa của bạn có nhiều dịch vụ, nhưng hãy chọn một điểm mạnh để tập trung vào và xoáy vào lợi ích ấy, bạn có thể có một cái tên hay.

Ví dụ tham khảo: dịch vụ của bạn tập trung vào làm trắng sáng da. Tiêu chuẩn vàng là "trắng như trứng gà lột", tên có thể là "NELFACE" (viết tắt của Naked-Egg-Like Face) nghĩa là gương trắng trắng như trứng gà lột. Đọc vào, không chừng người ta lại tưởng là Spa của Pháp đầu tư ấy chứ :D

2. Đặt tên mang tính liên tưởng tích cực

Một cái tên hay khiến khách hàng liên tưởng đến những tính năng tuyệt hảo và lợi ích tiềm ẩn. Từ đó, khiến họ có cảm tình với sản phẩm hay doanh nghiệp đó. Hãng dược phẩm Pfizer đã chọn Viagra cho thuốc cường dương vì tên này bắt vần với Niagra, tạo liên tưởng đến sức mạnh cuồn cuộn của thác nước Niagra hùng vĩ. Quả là “đắt” vì đánh trúng vào ao ước thầm kín của đa phần các đấng mày râu đứng tuổi.

Ví dụ tham khảo: Beauty Island Spa. Trong cuộc sống hối hã ngày nay, con người thường cảm thấy áp lực cuộc sống đè nặng lên vai mỗi ngày, họ cần một nơi tách biệt khỏi cuộc sống hàng ngày. Đảo hoang là nơi là một nơi thích hợp. Chữ Beauty giúp người xem liên tưởng đến việc sau khi đến hòn đảo này, họ sẽ đẹp hơn.

3. Đặt tên theo phong thủy

Xác định mạng của bạn là gì để tìm một cái tên phù hợp.

Ví dụ tham khảo: Nếu bạn mạng Mộc, và phải đặt một cái tên liên quan đến Mộc. Có thể xem xét các loại cây có giá trị dinh dưỡng hay giúp làm đẹp, hay mang đến cảm giác thoải mái, thân thương. Những cái tên có thể xem xét như: Coco Spa, Bamboo Spa, Lotus Spa. Những loại cây vừa có tác dụng làm đẹp, có giá trị dinh dưỡng, và mang đến cảm giác đồng quê thân quen, và tạo cảm giác thư thái.

4. Đặt tên ẩn chứa một câu chuyện phía sau

Một vài cái tên hay lại từ trên trời rơi xuống, nên bạn hãy tận dụng những lúc có cảm hứng.

Là một trong những công ty lớn nhất thế giới, rõ ràng Apple thu hút rất nhiều sự chú ý, nhưng không phải khi nào cũng vậy.
Theo Steve Jobs từng giải thích, khi bắt đầu, công ty phải tìm ra một tên gọi nào đó để nộp đơn “đăng ký kinh doanh”. Những gợi ý ban đầu bao gồm Matrix Electronics, nhưng cuối cùng tên Apple Computer đã được lựa chọn, với điều kiện nó sẽ trở thành tên công ty, nếu không ai có gợi ý nào hay hơn trước khi hết hạn nộp hồ sơ.
Vậy, tại sao lại là Apple? Jobs nói: "Một phần do tôi rất thích táo, phần nữa do tên Apple sẽ đứng trước tên Atari trong danh bạ và tôi từng làm việc tại Atari". Trong năm 2007, công ty đã bỏ từ “Computer” và tên của hãng chỉ còn lại Apple.

Vậy cảm hứng của bạn là gì? câu chuyện của bạn là gì?

Một cái tên hay, ngắn gọn, dễ nhớ sẽ dễ đi vào tâm trí của khách hàng

Cái tên hay chắc chắn sẽ đi được vào tâm trí người khác. Trong quá trình cân nhắc, hãy dành thật nhiều thời gian – ít nhất là một tuần – giữa thời điểm suy nghĩ và chọn lựa để nghiền ngẫm về các lựa chọn.

Ngay cả khi bạn tìm được một cái tên hay, tiếp tục động não vẫn rất quan trọng. Những cái tên hay nhất sẽ được ghi nhớ mà không cần nhìn lại danh sách.

Bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên với những cái tên dễ gợi nhớ nhất trong tâm trí mình. Nếu cái tên đó đi được vào tâm trí của bạn, nó cũng sẽ đi vào tâm trí khách hàng.

Những điều bạn nên tránh trong việc đặt tên thương hiệu Spa của bạn.

1. Khó đọc khó nhớ:

Nước khoáng Đảnh Thạnh là một ví dụ. Bạn thử nói vài lần xem có trẹo quai hàm không!

2. Những cái tên thông dụng, chung chung, không mang lên ý nghĩa gì:

Những cái tên Tiếng Anh thông dụng, bình dân thì khả năng trùng lắp là rất cao. Đã có một thời lấy tên tiếng Anh đặt tên cho thương hiệu. Và những cái tên mạnh dạn ra đời như: Lucky, Happy, Gold...

3. Dùng tên của bạn:

Dĩ nhiên, ban có quyền dùng tên của bạn để đặt cho doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn. Nhưng hãy xem 2 cái tên bên dưới:
      

Bạn cảm thấy Spa nào chuyên nghiệp hơn? Spa nào bạn chấp nhận chi nhiều tiền hơn? Ở đây không bàn đến vấn đề ngôn ngữ. Chỉ bàn về cảm giác lúc nhìn thôi.

Bạn đặt tên của bạn cho thương hiệu khi bạn nhấm vào đối tượng bình dân hoặc khi bạn nổi tiếng, dùng tên của mình để hỗ trợ cho thương hiệu, lúc đó, bạn có được nhiều free PR.

Đọc đến đây, bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ 1 cái tên thật hay và ý nghĩa nhé! Một cái tên tốt sẽ giúp khách hàng dễ nhớ, dễ có cảm tình, và đánh giá mức độ chuyên nghiệp của bạn cao hơn.

Phần sau, ta sẽ bàn đến việc sử dụng màu sắc, thiết kế logo, và thông điệp của Spa.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo


6/15/2015

Marketing Mix trong các ngành hàng

Chiến lượt Marketing cơ bản mà chúng ta học trong các trường đại học là Marketing Mix hay còn được gọi là Marketing hỗn hợp bao gồm 4Ps: Product (sản phẩm), Price (Giá), Place (Kênh phân phối), và Promotion (Chiêu thị). Marketing Mix giúp chúng ta hệ thống những yếu tố cần cân nhấc kỹ lưỡng, so sánh giữa ta và đối thủ trong từng giai đoạn thị trường trước khi tung một sản phẩm mới hay tiến hành một dự án mới cho một nhãn hàng.

Tuy nhiên, 4Ps là Marketing căn bản chúng ta học trong trường đại học và sách giáo khoa. Trên thực tế, mỗi một ngành hàng có 1 Marketing Mix Model khác nhau. Sau đây, là một số mô hình phổ biến:

Mô hình Marketing Mix trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và beverage, bao gồm 6Ps sau:

1. Product: chỉ tất cả các dạng sản phẩm, dịch vụ, cá nhân đóng vai trò trung tâm trong hoạt động kinh doanh của bạn.

2. Proposition: chỉ giá trị khác biệt của thương hiệu mà chỉ một mình thương hiệu bạn có. VD: Mì Tiến Vua là mì vì sức khỏe. Trà Xanh Không Độ giảm căng thẳng mệt mỏi. OMO là chuyên gia đánh bật vết bẩn cứng đầu nhất.

3. Price: là nhà quản trị thương hiệu, bạn sẽ phải tập trung vào việc làm thế nào để tìm ra mức giá phù hợp cho sản phẩm.

4. Pack-size: Dung tích sản phẩm mà bạn có và bán. Bạn xác định vai trò của từng loại dung tích, và làm sao để quản lý portfolio với nhiều dung tích khác nhau. VD: OMO có gói 400g, gói 800g, gói 1.2kg, gói 3kg, gói 4.5kg, gói 6kg, Gói 9kg, thùng 10kg. Bạn cần phải xác định tại sao tại sao phải có nhiều packsize khác nhau, vai trò của chúng như thế nào? Ngoài trừ dung tích, yếu tố này còn được xem xét như loại bao bì. VD: trong ngành nước giải khát, có nhiều loại bao bì: RGB (chai thủy tinh),
PET (chai nhựa), CAN (lon).

5. Place: hệ thống phân phối của bạn thế nào, để sản phẩm từ nhà máy đến tay người tiêu dùng cuối cùng, phải qua những kênh phân phối nào? Yếu tố này sẽ đi chung với yếu tố Price ở trên. Bạn cần xác định giá xuất xưởng là bao nhiêu => giá đến nhà phân phối? => giá đển điểm bán sỉ? => giá đến điểm bán lẻ? => giá đến tay người tiêu dùng là bao nhiêu?.

6. Promotion: chỉ tất các hoạt động để truyền thông thông tin về sản phẩm và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng.

Với một số nhãn hàng lớn, vẫn còn có thêm 1P nữa là Philosophy (triết lý thương hiệu). Đó là giá trị cảm tính mà nhãn hàng mang đến cho người tiêu dùng. VD: Philosophy của OMO là "Dirt is Good" (Trẻ học điều hay, ngại gì vết bẩn), Philosophy của Sữa tươi 100% của Vinamilk "Uống sữa là sẻ chia".

Mô hình Marketing Mix trong ngành hàng B2B hay các công ty trong thị trường ngách, bao gồm 5Ps sau:

1. Product.
2. Price.
3. Place.
4. Promotion
5. Person: Ai là người sẽ mua sản phẩm của bạn, tức là thị trường mục tiêu. Tại sao phải gắn P này vào Marketing cho các loại hình công ty này. Vì đối tượng khách hàng của bạn sẽ giới hạn hơn, ngân sách cũng sẽ bị giới hạn, nếu bạn quảng cáo hay chào hàng đến tất cả mọi người sẽ uổng công phí sức hao tài. Vì vậy, thu hẹp đối tượng mục tiêu là điều cực kỳ quan trọng.

Mô hình Marketing Mix trong ngành dịch vụ, bao gồm 5Ps hay 6Ps sau:

1. Product.
2. Price.
3. Place.
4. Promotion
5. Personnel: chỉ nhân sự, nguồn nhân lực. Vì dịch vụ là ngành dùng con người để phục phụ con người. Nếu nhân sự không được huấn luyện hay đạo tạo chuyên nghiệp, thì khó đạt đến mức độ hài lòng cao từ khách hàng. Dù nhân viên trong cuộc sống đời thường có bị đau buồn, nhưng phải đảm bảo khi làm việc và phục vụ khách hàng luôn niềm nở và ân cần với khách hàng. Để thấy mức độ quan trọng của P này trong ngành dịch vụ, xin lấy ví dụ về ngành thức ăn nhanh để thảo luận. Khi bạn ghé vào KFC, bạn chỉ yêu cầu 1 cái bánh Hamburger, những nhân viên luôn được đào tạo để thấy thêm tiền từ khách với việc giới thiệu thêm "Anh chị có dùng thêm Pepsi không ạ? Bên em đang có chương trình khi anh chị dùng 1 Hamburger loại A với 1 ly Pepsi, sẽ được tặng thêm 1 phần salad mới của bên em! Anh chị có muốn dùng thêm không ạ?", cái này tôi tự viết theo ý thôi, chứ khi bạn ở đó, với giọng nói ngọt ngào từ các bạn phục vụ, tôi tự hỏi làm sao bạn chối từ lời đề nghị ấy được nhỉ?
6. Process: tương tự với P số 5 ở trên. Các ngành dịch vụ thường có qui trình làm việc và phục rõ ràng để nâng cao doanh thu và làm hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Lấy ví dụ KFC, khi bạn gọi một món gì, nhân viên cũng có qui trình để phục vụ bạn, nêu ra những đề nghị mở, báo rõ khách hàng khi nào món ăn sẽ mang ra bàn cho bạn, bạn có thể lấy những gì trước và chúng ở đâu.v.v...

Ở đặc thù một số ngành còn có thể có những P khác nữa. Ví dụ trong ngành Spa hay mỹ phẩm, còn có P khác là Physical Evidence.

7. Physical Evidence (bằng chứng xác thực): ví dụ dịch vụ của bạn là xóa nếp nhăn. Để tăng mức độ tin tưởng, bạn có thể đưa ra những hình ảnh trước và sau khi sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Cam kết trong thời gian là bao lâu sẽ có kết quả như vậy.

Mức độ quan trọng của từng P trong Marketing Mix trong các ngành hàng

Tùy tình hình thị trường và mức độ cạnh tranh của thị trường, bạn phải vận dụng và kết hợp những yếu tố này sao cho phù hợp để chiến thắng.

Ví dụ về các trường hợp chiến thắng trên thị trường nhờ các P trong Marketing Mix:

Chiến thắng với Pack-type hay Pack-size:

- Khi Red Bull khá mạnh ở Việt Nam trong những năm 90. Năm 2000, THP ra sản phẩm Nước Tăng Lực Number 1. Và chỉ trong 3 tháng đầu thì nước tăng lực Number 1 đã trở thành Market Leader với hơn 70% thị phần. Đây là thương hiệu Viêt Nam đầu tiên được đưa vào sách kinh điển Marketing Principles của Philip Kotler. Yếu tố quan trọng nhất được xem là giúp THP trở thành thủ lĩnh trong ngành này lúc đó là Pack-type.
- Năm 2006, khi THP tung Trà Xanh Không Độ và chiếm lĩnh thị trường. URC không thể cạnh tranh trực tiếp. Trà C2 tập trung vào 2 yếu tố là Product (nhiều lựa chọn với nhiều mùi vị khác nhau) và Pack-size (chai nhỏ 340ml trong khi Trà Xanh Không Độ là 500ml). Thực tế cho thấy, sự khác biệt về Product là nhiều lựa chọn không có bất kỳ ý nghĩa gì trong việc cạnh tranh này, nhưng chai nhỏ giúp C2 có được chỗ đứng nhất định trong ngành hàng trà xanh đóng chai lúc đó. Vì chai 500ml của Trà Xanh Không Độ được cho là lớn, người tiêu dùng không uống hết được trong khi chai 340ml của C2 thì vừa đủ để uống.

Chiến thắng nhờ Proposition:

- Mì Tiến Vua từng là một sản phẩm mới trong ngành hàng mì ăn liền vốn đã có rất nhiều đối thủ mạnh, và chỉ trong 3 tháng tung hàng, Tiến Vua đã đạt được những chỉ số mà các nhãn hàng khác phải mất ít nhất 6 tháng hoặc hơn để đạt được, với Proposition "Mì vì sức khỏe, do không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, đảm bảo sức khỏe cho gia đình bạn".

Và còn rất nhiều ví dụ khác, nhưng có thể tóm lại là để chiến thắng trên thị trường, là một nhà quản lý thương hiệu, bạn phải biết phối hợp các P này trong Marketing Mix để tối đa sức mạnh của nhãn hàng mình phụ trách. Và bất kỳ một P nào trong Marketing đều quan trọng và có thể giúp bạn chiến thắng.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo

Làm sao kiếm tiền online (Cho người mới bắt đầu)?

Cũng giống như bạn, tôi cũng đã từng tìm nhiều tài liệu và nguồn tài liệu để trả lời câu hỏi "Làm sao làm giàu?", "Làm sao kiếm tiền online?". 

Xuất phát điểm của tôi là một Marketer truyền thống, mà một marketer truyền thống, đặc biệt là của một công ty, thường không thích và không thích tìm hiểu về các mô hình kinh doanh hay marketing khác. Nếu bạn hỏi họ, MLM là gì? làm thế nào? có tốt không? hay Affiliate Marketing là gì? Nó hoạt động thế nào? Tôi tin là rất ít người biết hay chỉ trả lời rất giới hạn. Công việc mà chúng tôi thích nhất là tạo ra sản phẩm mới, tìm ra một hướng đi cho nhãn hàng, đưa ra một câu chuyện, làm một TVC, làm các event, hay các chương trình online để quảng bá sản phẩm. Tôi cũng vậy, nhưng sau đó tôi lại tự buộc mình tiếp cận những cái mới, và phải hiểu rõ các mô hình marketing. Và cũng mai là trong công việc Marketing truyền thống của tôi, cũng có nhiều kiến thức liên quan đến Online Marketing. Do đó, xuất phát điểm của tôi có phần tốt các bạn, nhưng tôi sẽ từ từ chia sẻ những kiến thức đủ để các bạn có thể thực hiên chúng dễ dàng.

Bài viết này dành cho ai?

1. Những người đang tìm kiếm cách thoát khỏi lối sống 9-5 (làm việc theo giờ hành chính) hoặc những ai muốn kiếm tiền tại nhà và bất kỳ nơi đâu với một cái laptop cùng wifi.

2. Bất kỳ ai muốn tăng thêm thu nhập ngoài nguồn thu nhập chính.

Cái mà tôi muốn viết ra không phải đơn thuần là hướng dẫn bạn cách kiếm tiền trên internet, mà là giúp gây dựng một công việc kinh doanh thật sự và bền vững. Hy vọng là tôi có đủ thời gian để viết ra tất cả những điều mà tôi biết.

Có nhiều cách để kiếm tiền online, từ việc lập một website hay Fanpage để bán một nhóm những món hàng mà bạn có, tạo ra chính sản phẩm của bạn để bán, quảng bá sản phẩm phẩm của người khác để nhận huê hồng, kiếm tiền online với tư cách là một Hot Blogger chuyên nghiệp, làm các công việc freelance trên các trung tâm thương mại điện tử, .v.v...

Tôi không thể viết hết tất cả các cách được, ở đây xin chỉ bàn 3 cách kiếm tiền online như bên dưới:

1. Cộng tác viên (Affiliate)

Cộng tác viên là hình thức mà nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ sẽ trả hoa hồng cho người tham gia chương trình hợp tác với họ.

Sau khi đăng ký một tài khoản miễn phí, bạ nsex được cung cấp một đường dẫn mà khi khách hàng của bạn bấm vào đường dẫn đó để đến website của nhà cung cấp, nhà cung cấp sẽ biết được đó là khách hàng của bạn.

Ngoài ra bạn còn được hỗ trợ các công cụ để marketing như banner quảng cáo, phiếu khuyến mãi, giảm giá, email giới thiệu sản phẩm, quà tặng,.v.v...

Việc duy nhất bạn phải làm là đưa lượng truy cập đến website của nhà cung cấp thông qua đường dẫn của bạn, các công việc còn lại từ việc thanh toán, giao nhận hàng hóa, đến chăm sóc khách hàng đều do nhà cung cấp đảm nhiệm.

Do mức hoa hồng thường hấp dẫn (trung bình từ 40 - 50%) nên Cộng tác viên đã nhanh chóng trở thành một trong những hình thức phổ biến để kiếm tiền trên Internet.

Ở Việt Nam hiện nay, đã có công ty cung cấp dịch vụ này là Lazada. Các công ty có uy tín trên Thế Giới cung cấp chương trình cộng tác viên bao gồm: Ebay, Amazon, ClickBank, Google Adsense,...

Các chi tiết, sẽ được viết trong các bài khác.

2. Người tạo ra sản phẩm:

Việc sở hữu sản phẩm đúng là cách tốt nhất để tạo ra nguồn thu nhập ổn định và dài lâu. Bạn có thể tận dụng sức mạnh từ các cộng tác viên (affiliator) để đẩy mạnh việc tiếp cận khách hàng tiềm năng. Cộng tác viên là cách vô cùng hiệu quả để tăng lượng truy cập mà không tốn bất kỳ chi phí trả trước nào. Là một người tạo ra sản phẩm, bạn có thể xây dựng cho riêng mình một danh sách khách hàng, tạo uy tín và niềm tin. Ngoài ra, bạn cũng sỡ hữu phiễu bán hàng, hệ thống gửi thư tự động, và danh sách email.

3. Nhà cung cấp dịch vụ:

Nhà cung cấp dịch vụ có thể làm mọi việc từ cung cấp hosting, thiết kế web, viết quảng cáo, dịch vụ SEO, hay là bên kết nối người tạo ra sản phẩm với cộng tác viên.

Thị trường này rất tiềm năng, nhưng tính cạnh tranh rất lớn, thêm nữa công việc này đòi hỏi sự đầu tư lâu dài cả về mặt thời gian lẫn tài chính.

Làm sao để kiếm tiền online (cho người mới bắt đầu)

Cách dễ dàng để kiếm tiền online là tiếp thị liên kết hay trở thành cộng tác viên (Affiliate Marketing). Bạn không cần phải tạo ra sản phẩm, thiết lập hệ thống thanh toán và tài khoản thương mại, làm các dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng, v.v.... Chỉ đơn giản là bạn giới thiệu sản phẩm để nhận hoa hồng, giống như công việc truyền thống. 

Sự khác biệt giữa truyền thống và online affiliate marketing là bạn thực hiện công việc hoàn toàn online, và bạn có thể làm việc tại nhà mà không cần gặp bất kỳ ai hay phải gọi điện thoại để chào hàng. Đơn giản, bạn chỉ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng đến bên bán sản phẩm thông qua các nội dung bài viết trên website của bạn.

Phương pháp là tạo ra nội dung được tối ưu hóa để được xếp hạng cao trong các bộ máy tìm kiếm. Người ta sẽ tìm ra nó khi họ tìm kiếm, click vào, và mua cái mà họ cần và muốn. Khi bài viết bạn tốt, nó có thể vẫn được xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm và giúp bạn kiếm được tiền năm này qua tháng nọ, miễn là bạn vẫn duy trì công việc đảm bảo xếp hạng của bài viết.

Bạn có thể kiếm được 3,000 - 4,000 USD/ tháng hoặc hơn dễ dàng. Tuy nhiên, nó cần thời gian, sự nỗ lực và sự kiên trì của bạn. Việc kinh doanh online cũng giống như bất kỳ mô hình kinh doanh
nào, bạn cần đầu tư vào việc thiết lập và vận hành, điều đó cần thời gian. Được cái là việc kinh doanh online có thể tốn ít thời gian hơn và đầu tư về thời gian và tiền bạc ít hơn các mô hình kin hdoanh khác. 

Hãy thực hiện 10 bước theo thứ tự bên dưới để bắt đầu kinh doanh và kiếm tiền online nhé:

4. Đăng ký các tài khoản Social Media.
5. Đọc và thực hiện các bước làm SEO.
6. Tạo nội dung tối ưu hóa và tạo chiến lượt từ khóa.
7. Đăng ký chương trình liên kết với thị trường ngách của bạn.
8. Viết Product Reviews cho các sản phẩm bạn chọn.
9. Xây dựng hệ thống backlinks trỏ về website hay bài viết của bạn.
10. Tiếp tục viết bài, xây dựng backlinks, và tương tác với khách hàng tiềm năng qua Social Media.

Có rất nhiều website hay sách quảng cáo rằng có thể giúp bạn kiếm được hơn 3,000 USD trong tháng đầu tiên, hay kiếm được 500 USD/ tuần từ tuần thứ 3. Tôi khuyên bạn đừng quá hấp tấp, sẽ dễ mắc bẫy của các thành phần không tốt, hay dễ làm cho bạn nản lòng khi không đạt được điều đó trong vài tuần đầu. Tuy nhiên, đạt được mức thu nhập từ 3,000 - 5,000 USD trong năm đầu tiên là điều khả thi.

Các bài viết cho từng bước cụ thể sẽ được cập nhật để giúp bạn dễ thực hiện sẽ được từ từ upload lên. Xin các bạn đừng quá nôn nóng. Nếu bạn chưa rõ bất kỳ điều gì với các bước trên, hãy đưa ra yêu cầu bằng cách comment bên dưới bài viết. Tôi sẵn lòng giúp bạn bắt đầu công việc! 😉

À, còn một vấn đề nữa tôi nghĩ là ai cũng muốn biết, thậm chí tôi của 4 năm trước cũng rất muốn biết, nhưng tôi không biết tìm nguồn thông tin ở đâu, đó là để làm được hay thành công trong công việc này, tôi phải đầu tư cái gì? bao nhiêu? tôi xin viết riêng một bài để bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Bạn click vào đây để tìm hiểu thêm nhé >>> Chi phí đầu tư vào việc kinh doanh online.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo

Thu nhập thụ động là chuyện hoang đường?

Đầu tiên tôi muốn nói với bạn rằng, lý do tôi viết bài này cũng như dành cả chuyên mục cho việc kiếm tiền online với mục đích tạo ra thu nhập thụ động là tôi khá bực mình. Bực mình với vô số điều như:

1) Thái độ bàn ra. Trên các Facebook Group hay trong các diễn đàn mà tôi tham gia, có nhiều người thường hay đăng status "Làm sao để làm giàu?", "Làm sao để kiếm tiền?", nhưng khi một ai đó vào bình luận, thì y như rằng cứ bàn ra. Nào là cái đó là đa cấp, cái đó là lừa đảo. Trong khi chính những người đó chưa bao giờ tìm hiểu, hay trãi nghiệm thử.

2) Thông tin ảo cả trong thế giới thực lẫn thế giới ảo. Tôi từng mua cuốn sách Best Seller "Tôi Kiếm 1 triệu Đô La đầu tiên trên Internet như thế nào?"của Ewen Chia, người tự xưng là Bậc thầy tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing Guru) hàng đầu Thê Giới và cũng mua thử vài chương trình và hệ thống của Ewen Chia, và sau đó tôi thấy rằng đó chỉ là những thứ quá chung chung, và là những tài liệu miễn phí trên mạng tổng hợp lại, nó không hề có giá trị thực tiễn. Và tìm hiểu thêm, thì thấy có rất nhiều người trên Thế Giới cũng gặp trường hợp như tôi. Trong khi đó, có rất nhiều website quảng cáo về sản phẩm của Ewen Chia và cũng có nhiều trung tâm đào tạo vẫn mời Ewen Chia về chia sẻ và đạo tạo người Việt Nam chúng ta với giá hàng nghin đô là cho 1 khóa học khoảng 2 ngày. Tôi xin chân thành khuyên các bạn đọc muốn kiếm tiền trên internet, hãy tránh xa những gì có liên quan đến Ewen Chia, nêu không bạn sẽ vừa mất tiền và thời gian như tôi.

Thật nhẹ nhõm khi nói lên điều bực tức trên, bây giờ tôi xin đi vào vấn đề chính nhé.

Theo bạn, thu nhập thụ động có phải là chuyện hoang đường hay không? thu nhập thụ động là gì?



Thật ngại khi lấy kim tứ đồ ra để bàn luận, vì cứ mỗi lẫn người nào đó đưa Kim Tứ Đồ ra là tôi thấy có 1 câu luôn đi theo sau từ một người khác "Ah, đa cấp đây!" haizzzz.

Trên cơ bản chúng ta có 2 dạng thu nhập, đó là thu nhập chủ độngthu nhập thu động.

Thu nhập chủ động là dạng thu nhập, bạn phải làm việc thì bạn mới có thể tạo ra thu nhập, nếu ngừng làm việc thì thu nhập ấy cũng tự động dừng theo.

Thu nhập bị động là dạng thu nhập mà bạn không cần làm, nó vẫn cứ tạo ra tiền cho bạn. Tiền sẽ đẻ ra tiền cho bạn. Trên cơ bản, cũng có 2 cách để tạo ra thu nhập bị động: tạo ra hệ thống (làm chủ doanh nghiệp) hay đầu tư vào hệ thống để kiếm lãi (nhà đầu tư).

Bây giờ tôi sẽ bàn kỹ hơn về việc tạo ra hệ thống, không bàn đến vấn đề đầu tư vì bạn có tiền thì chắc cũng không vào đây tìm hiểu cách kiếm tiền rồi :D

Hệ thống là gì? Không định nghĩa, chỉ giải thích đơn giản cho bạn hiểu là "những gì mà bạn xây dựng nên giúp bạn kiếm được tiền theo chu kỳ nhất định và lâu dài". Ví dụ đơn giản: bạn xây dựng lên 1 dãy nhà trọ 10 phòng, cứ mỗi tháng bạn không làm gì, vẫn có tiền phòng rót vào túi của bạn đều đều. Đó là hệ thống. Hệ thống là một điểm mấu chốt của sự thành công và tạo ra thu nhập bị động. Có thể thấy rõ điều đó qua cả 2 mô hình kinh doanh đa cấp lẫn mô hình kinh doanh truyền thống. Khi Unilever vào Việt Nam, cái họ mất thời gian và tiền bạc là xây dựng hệ thống (có nhiều hệ thống, bao gồm: hệ thống sản xuất, hệ thống điều hành, hệ thống phân phối,...), một khi hệ thống đã được tạo ra, thì những ngành hàng, nhãn hàng mới cứ lần lượt được tung ra. Vì khi bạn đã biết cách vận hành sản xuất Bột Giặt rồi, thì bạn sẽ có thể biết làm cách nào để sản xuất nước xả. Khi một tiệm tạp hóa mua 1 cục xà Bông LifeBouy từ công ty, thì khi công ty giới thiệu một sản phẩm mới như Sunsilk hay Clear, bạn có nghĩ là tỷ lệ thành công sẽ cao hơn nhiều so với các công ty hoàn toàn chưa bán sản phẩm nào vào tiệm tạp hóa đó.

Tại sao Internet có thể giúp bạn tạo ra được thu nhập thụ động?

Để tạo được một hệ thống trong kinh doanh truyền thống, bạn phải mất rất nhiều tiền. Ví dụ như trên. Bạn xây dựng 10 phòng trọ, số tiền ấy là bao nhiêu? Để mở một quán cafe take-away bạn phải đầu tư bao nhiêu? từ 65tr VND trở lên. Để bạn trở thành một nhà phân phối của một công ty sản xuất nào đó, bạn phải đầu tư kho bãi, mua các thiết bị văn phòng, tiền thuê nhân viên, vốn của bạn tối thiểu cũng từ 1 tỷ đồng cho công ty nhỏ, từ 6-10 tỷ cho công ty lớn. Nếu bạn mua nhượng quyền thương hiệu, chi phí nhượng quyền của các thương hiệu lớn như KFC cũng hơn 1 triệu USD.

Nếu bạn ít vốn hay không có vốn, chỉ có 2 con đường khả thi cho bạn nếu bạn muốn xây dựng hệ thống, đó là: làm đa cấp hoặc kinh doanh online. Và ở đây, mình chỉ bàn đến Kinh doanh online thôi nhé.

Những lợi thế của việc kinh doanh trên internet

1. Trong khi việc kinh doanh kiểu truyền thống đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc và đối mặt với nhiều rủi ro thì việc kinh doanh trên mạng dễ dàng hơn lại kiếm được lợi nhuận tương đương (thậm chí còn nhiều hơn)
2. Thủ tục để tiến hành kinh doanh trên internet đơn giản hơn nhiều so với mở một công ty truyền thống.
3. Việc kinh doanh này không cần văn phòng, không cần nhân viên, không cần nguyên vật liệu. Vì sản phẩm hot nhất hiện nay là sản phẩm về thông tin như kiến thức chuyên ngành, phần mềm và công nghệ, những thứ được mua bán nhanh chóng qua mạng.

Nói tóm lại, hãy so sánh giữa việc kinh doanh kiểu truyền thống và việc kinh doanh trên mạng. Khi kinh doanh kiểu truyền thống, bạn cần có mặt mọi lúc mọi nơi nhưng khi kinh doanh trên mạng, bạn có thể làm bán thời gian tại nhà (hai, ba tiếng mỗi ngày), hoặc bạn có thể vừa làm vừa tận hưởng một chuyến du lịch tại một nơi nào đó. Kinh doanh truyền thống đòi hỏi vốn ban đầu và chi phí hoạt động rất lớn. Còn chi phí hoạt động kinh doanh trên mạng tương đối rẻ. Kết quả nếu bạn kinh doanh trên mạng thất bại, chi phí cũng thấp hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa là bạn có thể bắt đầu lại việc kinh doanh trên mạng với sản phẩm mới. Khi kinh doanh kiểu truyền thống, thị trường của bạn là địa phương bạn đang ở, hay lớn hơn là chỉ ở tại Việt Nam. Trong khi kinh doanh trên mạng, thị trường của bạn là trên 1 tỷ người sử dụng internet. Về việc xoay đồng vốn, khi bạn mới mở một công việc kinh doanh truyền thống, bạn phải bỏ tiền thật thóc thật để mua hàng hóa hay nguyên vật liệu, nhưng đôi khi bạn phải phải cho công nợ cho đại lý hay điểm bán lẻ của bạn để giữ mối, và đồng tiền bạn thu được là VND. Trong khi việc kinh doanh trên mạng bạn kiếm được tiền bằng Đô La Mỹ và bạn nhận được tiền từ khách ngay lập tức. Trong khi kinh doanh kiểu truyền thống, bạn cần rất nhiều tiền để làm các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, thuê tuyển nhân viên, kho bãi, mặt bằng. Số tiền ấy thật không nhỏ. Trên mạng, bạn chẳng chỉ với một ít tiền, bạn vẫn có thể tạo được một chỗ đứng riêng. Và còn rất nhiều lợi ích khác so với kiểu kinh doanh truyền thống khác.

Bạn thấy sao, có muốn bắt đầu thử kinh doanh qua mạng để tạo thu nhập thụ động liền bây giờ chưa? Trong các bài sau, tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước thực hiện để tạo ra một công việc kinh doanh qua mạng bền vững.


Chân thành
Đoàn Trung Thảo

6/07/2015

Bài 3: Định vị Spa của bạn

Tại sao cần phải định vị Spa của bạn? Định vị là gì?

Định vị là một thuật ngữ phổ biến trong Marketing truyền thống, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong tiếng Anh, định vị là Positioning. Động từ gốc là Position có nghĩa là cẩn thận đặt một cái gì đó vào ví trí một vị trí cụ thể. Xin minh họa với hình ảnh bộ não của con người. Bộ não này có nhiều ngăn. Mỗi ngăn lớn nhỏ khác nhau và vị trí của nó cũng quan trong khác nhau. Vấn đề là bạn muốn đặt thương hiệu của mình ở ngăn nào.

Ví dụ về các định vị các thương hiệu để anh chị tham khảo.
- Ngành xe hơi:
  + Toyota: "Bền"
  + Mercedes: "danh tiếng"
  + Volvo: "An toàn"
  + Lexus: "Sang trọng"
- Mì Gói:
  + Tiến Vua: "Mì vì sức khỏe"
  + Mì Omachi: "Ngon mà không lo nóng"
- Trà đóng chai:
  + Dr. Thanh: "Không lo nóng trong người"
  + Không Độ: "Không lo căng thẳng mệt mỏi, Giải nhiệt cuộc sống"

Nhờ có định vị mà người tiêu dùng nhận thấy rõ sự khác biệt của thương hiệu này so với thường hiệu khác, giúp họ biết lựa chọn thương hiệu nào khi họ cần một loại sản phẩm nào đó. VD: khi họ cần xe bền, họ sẽ nhớ đến Toyota, khi cần an toàn, họ sẽ nhớ đến Volvo. Nếu đói bật chợt, bạn cần ăn mì, bạn quan tâm đến sức khỏe sẽ chọn Tiến Vua, còn ngon thì có thể là Omachi hay Hảo Hảo.

Anh chị thấy đó, định vị chính là điểm mà người tiêu dùng hiểu về thương hiệu của bạn,  nhớ về thương hiệu, và phân biệt giữa thương hiêu của bạn và đối thủ. Đó cũng là lý do, họ chọn bạn và yêu bạn (vì bạn đáp ứng đúng cái họ mong muốn).

Cách viết một câu định vị:

Cấu trúc của một câu định vị: "Dành cho (đối tượng khách hàng của bạn) người mà (nhu cầu của khách hàng), Tên (thương hiệu của bạn) là một (tên ngành hàng hay ngành kinh doanh của bạn) với (nêu ra lợi ích từ thương hiệu của bạn – nhớ, cần phải có một lý do để tin đầy thuyết phục). Không giống như (những lựa chọn thay thế dịch vụ hay thương hiệu của bạn), sản phẩm của chúng tôi (nêu rõ điểm khác biệt).

Ví dụ: thương hiệu của bạn là Island, câu định vị Spa của bạn có thể là:

"Dành cho các chị em phụ nữ, tuổi từ 30-40, người mà hàng ngày chịu áp lực lớn từ công việc, cần một nơi thật sự giúp họ thoát ly khỏi cuộc sống tập nập hằng ngày, để thư giãn và lấy lại quân bình trong cuộc sống, Island Spa mang đến cảm giác thư giãn tuyệt vời cho cơ thể và tinh thần với không gian được thiết kế như là một đảo hoang, mang đến cảm giác như được tách rời khỏi cuộc sống hiện đại hòa mình cùng thiên nhiên. Không giống như những Spa khác, Island Spa sử dụng những sản phẩm cao cấp từ Biển Chết có chứa 26 loại khoáng chất và bùn non, nổi tiếng không những trong việc tạo cảm giác thư giãn cho người dùng mà còn giúp da bạn lấy lại sức sống và vẻ đẹp đã bị đánh mất do cuộc sống tập nập hàng ngày."

Hơi dài 1 tí, nhưng nó sẽ được rút gọn lại sau.

Các lưu ý khi viết Định vị Spa của bạn:

1) Bạn đã xác định rõ ràng và cụ thể khách hàng mục tiêu của mình là ai chưa?
2) Khách hàng mục tiêu của mình thật sự cần gì? muốn gì?
3) Bạn có hiểu rõ đối thủ của mình hay không? Họ định vị như thế nào?
4) Cụ thể là bạn có thể cung cấp giá trị gì hay giúp được gì cho khách hàng?
5) Điểm khác biệt của bạn là gì? tại sao khách hàng lại phải tin bạn?

Phần sau, Thảo sẽ bàn đến việc đưa ra ý tưởng spa, đặt tên, chọn màu sắc phù hợp, và nhận dạng thương hiệu.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo

6/05/2015

Bài 2: Định hình ý tưởng Spa của mình

Có lẽ khi anh chị vào 1 Spa nào đó để tận hưởng các dịch vụ của họ, anh chị sẽ nghĩ mở 1 Spa cũng đơn giản thôi, mua các loại mỹ phẩm tốt, các thiết bị, đặt một cái tên, thuê nhân viên nhìn chuyên nghiệp một tí, và tìm một địa điểm đắc địa là chắc chắn thành công. Tại sao mình không tự mở một Spa nhỉ?

Riêng Thảo thấy không đơn giản như vậy. Thảo xin đưa ra những điểm cơ bản để anh chị suy nghĩ và định hình ý tưởng Spa của riêng mình theo mô hình 6Ws như bên dưới:

1) What: anh chị muốn làm gì? muốn cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì? Có nhiều sản phẩm hay dich vụ, anh chị nên nhận mạnh hay tập trung vào sản phẩm hay dịch vụ nào? Anh chị có thể cam kết điều gì? Điều gì giúp anh chị cam kết điều ấy? Định vị của bạn là gì?

2) Who: ai là đối tượng anh chị muốn nhấm đến? (anh chị phải xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, càng chi tiết cụ thể càng tốt. Sau này anh chị muốn mở rộng đối tượng thì sẽ tính sau. VD: khách hàng của mình chỉ là phụ nữ, tuổi từ 35-45, là những người thành đạt trong sự nghiệp. Mỗi ngày đối với họ là một trận chiến, công việc và các mối giao tế hàng ngày làm họ stress từ đó, nếp nhăn càng nhiều hơn. Họ cần một nơi có thể thư giãn, giúp họ trong trẻ trung hơn để luôn tự tin trong giao tiếp, giúp họ thêm thành công...)

3) Why: tại sao khách hàng phải chọn bạn? thử dịch vụ hay sản phẩm của bạn thay vì của các Spa khác? điểm khác biệt của bạn mà các Spa khác không có là gì? tại sao khách hàng phải tin bạn?

4) Where: Người xưa nói thiên thời địa lợi, vậy anh chị có biết những địa điểm nào tốt để làm công việc này không? hay lên danh sách này và loại bỏ dần các lựa chọn để có được địa điểm mong muốn! Trong trường hợp không thê có được các địa điểm tốt như mong muốn, phương án B của anh chị là ở đâu? Làm sao để có khách hàng hay khách hàng đến với mình nếu như vị trí không như mong muốn?

5) When: thời điểm nào là thời điểm thuận lợi cho việc mở Spa? Những dịp nào có thể giúp khách hàng dễ chấp nhận thử những dịch vụ mới, dễ tiếp cận khách hàng?

6) How: làm sao để có thể tiếp cận khách hàng? làm sao để khách hàng biết có sự tồn tại của mình? làm sao để khách hàng thử dịch vụ của mình? Nếu họ đã thử, làm sao để họ trở thành khách hàng thường xuyên của mình? làm sao để có đủ lợi nhuận để duy trì công việc kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn?

Đây là nhưng câu hỏi cơ bản, anh chị cần hỏi và trả lời để định hình ý tưởng Spa của mình trước khi quyết định tiến xa hơn. Về chi tiết, Thảo sẽ viết vào các bài sau nhé. Nếu cần thêm thông tin gì, các anh chị có thể liên hệ với Thảo bằng cách comment trên bài viết.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo


Bài 1: Những điều cần làm trước khi mở 1 Spa

Có nhiều lý do để một người quyết định mở một công việc kinh doanh Spa. Có thể cô ấy đã làm trong ngành rất lâu, và am hiểu người tiêu dùng, không cam chịu làm thuê suốt đời, có thể cô ấy có một cơ hội bất ngờ, có thể cô ấy thấy tiềm năng quá lớn ở khu vực cô ấy sống, v.v... Còn lý do của là gì?

Dù lý do của bạn là gì thì bạn cũng cần cân nhấc và làm rất nhiều thứ trước khi mở một Spa. Nếu anh chị đã là một doanh nhân thành đạt trước đó rồi, thì việc lên kế hoạch phải làm các bước như thế nào có lẽ là đơn giản. Nhưng nếu anh chị mới lần đầu mở một công việc kinh doanh, thì đôi khi sẽ không biết bắt đầu công việc từ đâu. Thảo xin việc vài dòng suy nghĩ để chia sẻ vài ý kiến của mình với vai trò là một người ngoại đạo của ngành Spa. Hy vọng nhận được sự đóng góp ý kiến của các anh chị trong ngành để bài việc được hoàn hảo hơn để phần nào giúp cho các anh chị mới khởi nghiệp trong ngành Spa tranh được những rủi ro hay tổn thất ban đầu.

Thảo xin đi thẳng vào vấn đề. Theo Thảo thì trước khi mở một Spa để kinh doanh, anh chị về cơ bản cần phải làm các việc sau:

1) Định hình ý tưởng Spa của mình
2) Định vị Spa của mình
3) Viết ra ý tưởng Spa
4) Đặt tên và thông điệp
5) Kế hoạch marketing cơ bản cho Spa

Chi tiết của từng phần, Thảo sẽ cập nhật trong các bài viết riêng. Anh chị có thể nhấn vào các tiêu đề trên để vào bài viết nhé.

Mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý anh chị đọc giả.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo