Hiển thị các bài đăng có nhãn Marketing cho Spa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Marketing cho Spa. Hiển thị tất cả bài đăng

6/16/2015

Bài 4: Cách đặt tên thương hiệu cho Spa

Một cái tên hay là một cách rất tốt để bắt đầu


Hãy ngẫm lại xem, cũng chỉ là một cái túi xách, một sản phẩm thông thường bán chỉ hơn 100,000 VND. Nhưng với cái tên Vascara, giá của nó khoảng 499,000 VND, nhưng nếu nó là Charles & Keith, giá của nó sẽ giao động trên dưới 1,500,000 VND, và còn hơn thế nữa nếu nó có tên là Channel hay đại loại là vậy!

Thật sự đứng đằng sau những cái tên ấy là biết bao nhiêu là nỗ lực. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, quyết định quan trọng nhất trong việc xây dựng một thương hiệu mà bạn đề ra là đặt tên cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Bởi trong dài hạn, một nhãn hiệu chẳng qua cũng là một cái tên.

Trong ngắn hạn, một nhãn hiệu cần một ý tưởng hoặc khái niệm duye nhất để sống còn (product concept). Nó phải là nhãn hiệu đầu tiên trong một ngành hàng mới. Nó cần sở hữu một từ trong tâm trí khách hàng.

Trong dài hạn, ý tưởng hoặc khái niệm duy nhất sẽ biến mất. Tất cả những gì còn lại đó là sự khác biệt giữa tên thương hiệu của bạn và tên thương hiệu của các đối thủ cạnh tranh khác cảu bạn.

Read Bull là nước tăng lực đầu tiên trên thế giới. Nó được xây dựng trên ý tưởng "giúp người uống cảm thấy phấn chấn hơn và tỉnh táo hơn, làm cho người uống cảm thấy căng tràng sức mạnh để làm những việc nặng nề một cách nhẹ nhàng". Tuy nhiên, ngày càng nhiều đối thủ xuất hiện với cùng tính năng tương tự. Sự thật là rất khó để nói lên sự khác biệt giữa Read Bull và các đôi thủ khác. Lúc này sự khác biệt giữa các nhãn hiệu không nằm trong sản phẩm, mà là nằm trong các cái tên sản phẩm. Hoặc đúng hơn trong nhận thức về các cái tên.

Thậm chí tên của một thương hiệu còn có thế trở thành tên chung của ngành hàng nữa. Ở Việt Nam chung ta, có khi nào bạn nói bạn đi xe máy không? thường thì bạn sẽ nói là mình đi xe Honda, mặc dù là bạn chạy xe Nouvo của Yamaha.

Viết dài vậy, tôi chỉ muốn nói lên rằng một cái tên tốt thật sự là rất quan trọng trong việc nhanh hay chậm, tồn tại lâu hay ngắn hạn, dễ nhớ hay dễ quên trong tâm trí khách hàng. Do đó, việc đầu tiên chúng ta cần làm là đặt một cái tên thật ấn tượng.

Cách đặt một cái tên hay cho Spa

1. Đặt tên theo điểm khác biệt, điểm mạnh, hay lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ.

Điều này phải khen tặng các công ty Đa Cấp vì họ có cách đặt những cái tên rất hay và ấn tượng. Nuskin là tên một công ty mỹ phẩm của Mỹ, viết tắt của "Nutrition for skin" có nghĩa là Dinh dưỡng cho da. Herbal Life nghĩa là thảo dược mang đến cuộc sống tươi đẹp.

Có thể Spa của bạn có nhiều dịch vụ, nhưng hãy chọn một điểm mạnh để tập trung vào và xoáy vào lợi ích ấy, bạn có thể có một cái tên hay.

Ví dụ tham khảo: dịch vụ của bạn tập trung vào làm trắng sáng da. Tiêu chuẩn vàng là "trắng như trứng gà lột", tên có thể là "NELFACE" (viết tắt của Naked-Egg-Like Face) nghĩa là gương trắng trắng như trứng gà lột. Đọc vào, không chừng người ta lại tưởng là Spa của Pháp đầu tư ấy chứ :D

2. Đặt tên mang tính liên tưởng tích cực

Một cái tên hay khiến khách hàng liên tưởng đến những tính năng tuyệt hảo và lợi ích tiềm ẩn. Từ đó, khiến họ có cảm tình với sản phẩm hay doanh nghiệp đó. Hãng dược phẩm Pfizer đã chọn Viagra cho thuốc cường dương vì tên này bắt vần với Niagra, tạo liên tưởng đến sức mạnh cuồn cuộn của thác nước Niagra hùng vĩ. Quả là “đắt” vì đánh trúng vào ao ước thầm kín của đa phần các đấng mày râu đứng tuổi.

Ví dụ tham khảo: Beauty Island Spa. Trong cuộc sống hối hã ngày nay, con người thường cảm thấy áp lực cuộc sống đè nặng lên vai mỗi ngày, họ cần một nơi tách biệt khỏi cuộc sống hàng ngày. Đảo hoang là nơi là một nơi thích hợp. Chữ Beauty giúp người xem liên tưởng đến việc sau khi đến hòn đảo này, họ sẽ đẹp hơn.

3. Đặt tên theo phong thủy

Xác định mạng của bạn là gì để tìm một cái tên phù hợp.

Ví dụ tham khảo: Nếu bạn mạng Mộc, và phải đặt một cái tên liên quan đến Mộc. Có thể xem xét các loại cây có giá trị dinh dưỡng hay giúp làm đẹp, hay mang đến cảm giác thoải mái, thân thương. Những cái tên có thể xem xét như: Coco Spa, Bamboo Spa, Lotus Spa. Những loại cây vừa có tác dụng làm đẹp, có giá trị dinh dưỡng, và mang đến cảm giác đồng quê thân quen, và tạo cảm giác thư thái.

4. Đặt tên ẩn chứa một câu chuyện phía sau

Một vài cái tên hay lại từ trên trời rơi xuống, nên bạn hãy tận dụng những lúc có cảm hứng.

Là một trong những công ty lớn nhất thế giới, rõ ràng Apple thu hút rất nhiều sự chú ý, nhưng không phải khi nào cũng vậy.
Theo Steve Jobs từng giải thích, khi bắt đầu, công ty phải tìm ra một tên gọi nào đó để nộp đơn “đăng ký kinh doanh”. Những gợi ý ban đầu bao gồm Matrix Electronics, nhưng cuối cùng tên Apple Computer đã được lựa chọn, với điều kiện nó sẽ trở thành tên công ty, nếu không ai có gợi ý nào hay hơn trước khi hết hạn nộp hồ sơ.
Vậy, tại sao lại là Apple? Jobs nói: "Một phần do tôi rất thích táo, phần nữa do tên Apple sẽ đứng trước tên Atari trong danh bạ và tôi từng làm việc tại Atari". Trong năm 2007, công ty đã bỏ từ “Computer” và tên của hãng chỉ còn lại Apple.

Vậy cảm hứng của bạn là gì? câu chuyện của bạn là gì?

Một cái tên hay, ngắn gọn, dễ nhớ sẽ dễ đi vào tâm trí của khách hàng

Cái tên hay chắc chắn sẽ đi được vào tâm trí người khác. Trong quá trình cân nhắc, hãy dành thật nhiều thời gian – ít nhất là một tuần – giữa thời điểm suy nghĩ và chọn lựa để nghiền ngẫm về các lựa chọn.

Ngay cả khi bạn tìm được một cái tên hay, tiếp tục động não vẫn rất quan trọng. Những cái tên hay nhất sẽ được ghi nhớ mà không cần nhìn lại danh sách.

Bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên với những cái tên dễ gợi nhớ nhất trong tâm trí mình. Nếu cái tên đó đi được vào tâm trí của bạn, nó cũng sẽ đi vào tâm trí khách hàng.

Những điều bạn nên tránh trong việc đặt tên thương hiệu Spa của bạn.

1. Khó đọc khó nhớ:

Nước khoáng Đảnh Thạnh là một ví dụ. Bạn thử nói vài lần xem có trẹo quai hàm không!

2. Những cái tên thông dụng, chung chung, không mang lên ý nghĩa gì:

Những cái tên Tiếng Anh thông dụng, bình dân thì khả năng trùng lắp là rất cao. Đã có một thời lấy tên tiếng Anh đặt tên cho thương hiệu. Và những cái tên mạnh dạn ra đời như: Lucky, Happy, Gold...

3. Dùng tên của bạn:

Dĩ nhiên, ban có quyền dùng tên của bạn để đặt cho doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn. Nhưng hãy xem 2 cái tên bên dưới:
      

Bạn cảm thấy Spa nào chuyên nghiệp hơn? Spa nào bạn chấp nhận chi nhiều tiền hơn? Ở đây không bàn đến vấn đề ngôn ngữ. Chỉ bàn về cảm giác lúc nhìn thôi.

Bạn đặt tên của bạn cho thương hiệu khi bạn nhấm vào đối tượng bình dân hoặc khi bạn nổi tiếng, dùng tên của mình để hỗ trợ cho thương hiệu, lúc đó, bạn có được nhiều free PR.

Đọc đến đây, bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ 1 cái tên thật hay và ý nghĩa nhé! Một cái tên tốt sẽ giúp khách hàng dễ nhớ, dễ có cảm tình, và đánh giá mức độ chuyên nghiệp của bạn cao hơn.

Phần sau, ta sẽ bàn đến việc sử dụng màu sắc, thiết kế logo, và thông điệp của Spa.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo


6/07/2015

Bài 3: Định vị Spa của bạn

Tại sao cần phải định vị Spa của bạn? Định vị là gì?

Định vị là một thuật ngữ phổ biến trong Marketing truyền thống, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong tiếng Anh, định vị là Positioning. Động từ gốc là Position có nghĩa là cẩn thận đặt một cái gì đó vào ví trí một vị trí cụ thể. Xin minh họa với hình ảnh bộ não của con người. Bộ não này có nhiều ngăn. Mỗi ngăn lớn nhỏ khác nhau và vị trí của nó cũng quan trong khác nhau. Vấn đề là bạn muốn đặt thương hiệu của mình ở ngăn nào.

Ví dụ về các định vị các thương hiệu để anh chị tham khảo.
- Ngành xe hơi:
  + Toyota: "Bền"
  + Mercedes: "danh tiếng"
  + Volvo: "An toàn"
  + Lexus: "Sang trọng"
- Mì Gói:
  + Tiến Vua: "Mì vì sức khỏe"
  + Mì Omachi: "Ngon mà không lo nóng"
- Trà đóng chai:
  + Dr. Thanh: "Không lo nóng trong người"
  + Không Độ: "Không lo căng thẳng mệt mỏi, Giải nhiệt cuộc sống"

Nhờ có định vị mà người tiêu dùng nhận thấy rõ sự khác biệt của thương hiệu này so với thường hiệu khác, giúp họ biết lựa chọn thương hiệu nào khi họ cần một loại sản phẩm nào đó. VD: khi họ cần xe bền, họ sẽ nhớ đến Toyota, khi cần an toàn, họ sẽ nhớ đến Volvo. Nếu đói bật chợt, bạn cần ăn mì, bạn quan tâm đến sức khỏe sẽ chọn Tiến Vua, còn ngon thì có thể là Omachi hay Hảo Hảo.

Anh chị thấy đó, định vị chính là điểm mà người tiêu dùng hiểu về thương hiệu của bạn,  nhớ về thương hiệu, và phân biệt giữa thương hiêu của bạn và đối thủ. Đó cũng là lý do, họ chọn bạn và yêu bạn (vì bạn đáp ứng đúng cái họ mong muốn).

Cách viết một câu định vị:

Cấu trúc của một câu định vị: "Dành cho (đối tượng khách hàng của bạn) người mà (nhu cầu của khách hàng), Tên (thương hiệu của bạn) là một (tên ngành hàng hay ngành kinh doanh của bạn) với (nêu ra lợi ích từ thương hiệu của bạn – nhớ, cần phải có một lý do để tin đầy thuyết phục). Không giống như (những lựa chọn thay thế dịch vụ hay thương hiệu của bạn), sản phẩm của chúng tôi (nêu rõ điểm khác biệt).

Ví dụ: thương hiệu của bạn là Island, câu định vị Spa của bạn có thể là:

"Dành cho các chị em phụ nữ, tuổi từ 30-40, người mà hàng ngày chịu áp lực lớn từ công việc, cần một nơi thật sự giúp họ thoát ly khỏi cuộc sống tập nập hằng ngày, để thư giãn và lấy lại quân bình trong cuộc sống, Island Spa mang đến cảm giác thư giãn tuyệt vời cho cơ thể và tinh thần với không gian được thiết kế như là một đảo hoang, mang đến cảm giác như được tách rời khỏi cuộc sống hiện đại hòa mình cùng thiên nhiên. Không giống như những Spa khác, Island Spa sử dụng những sản phẩm cao cấp từ Biển Chết có chứa 26 loại khoáng chất và bùn non, nổi tiếng không những trong việc tạo cảm giác thư giãn cho người dùng mà còn giúp da bạn lấy lại sức sống và vẻ đẹp đã bị đánh mất do cuộc sống tập nập hàng ngày."

Hơi dài 1 tí, nhưng nó sẽ được rút gọn lại sau.

Các lưu ý khi viết Định vị Spa của bạn:

1) Bạn đã xác định rõ ràng và cụ thể khách hàng mục tiêu của mình là ai chưa?
2) Khách hàng mục tiêu của mình thật sự cần gì? muốn gì?
3) Bạn có hiểu rõ đối thủ của mình hay không? Họ định vị như thế nào?
4) Cụ thể là bạn có thể cung cấp giá trị gì hay giúp được gì cho khách hàng?
5) Điểm khác biệt của bạn là gì? tại sao khách hàng lại phải tin bạn?

Phần sau, Thảo sẽ bàn đến việc đưa ra ý tưởng spa, đặt tên, chọn màu sắc phù hợp, và nhận dạng thương hiệu.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo

6/05/2015

Bài 2: Định hình ý tưởng Spa của mình

Có lẽ khi anh chị vào 1 Spa nào đó để tận hưởng các dịch vụ của họ, anh chị sẽ nghĩ mở 1 Spa cũng đơn giản thôi, mua các loại mỹ phẩm tốt, các thiết bị, đặt một cái tên, thuê nhân viên nhìn chuyên nghiệp một tí, và tìm một địa điểm đắc địa là chắc chắn thành công. Tại sao mình không tự mở một Spa nhỉ?

Riêng Thảo thấy không đơn giản như vậy. Thảo xin đưa ra những điểm cơ bản để anh chị suy nghĩ và định hình ý tưởng Spa của riêng mình theo mô hình 6Ws như bên dưới:

1) What: anh chị muốn làm gì? muốn cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì? Có nhiều sản phẩm hay dich vụ, anh chị nên nhận mạnh hay tập trung vào sản phẩm hay dịch vụ nào? Anh chị có thể cam kết điều gì? Điều gì giúp anh chị cam kết điều ấy? Định vị của bạn là gì?

2) Who: ai là đối tượng anh chị muốn nhấm đến? (anh chị phải xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, càng chi tiết cụ thể càng tốt. Sau này anh chị muốn mở rộng đối tượng thì sẽ tính sau. VD: khách hàng của mình chỉ là phụ nữ, tuổi từ 35-45, là những người thành đạt trong sự nghiệp. Mỗi ngày đối với họ là một trận chiến, công việc và các mối giao tế hàng ngày làm họ stress từ đó, nếp nhăn càng nhiều hơn. Họ cần một nơi có thể thư giãn, giúp họ trong trẻ trung hơn để luôn tự tin trong giao tiếp, giúp họ thêm thành công...)

3) Why: tại sao khách hàng phải chọn bạn? thử dịch vụ hay sản phẩm của bạn thay vì của các Spa khác? điểm khác biệt của bạn mà các Spa khác không có là gì? tại sao khách hàng phải tin bạn?

4) Where: Người xưa nói thiên thời địa lợi, vậy anh chị có biết những địa điểm nào tốt để làm công việc này không? hay lên danh sách này và loại bỏ dần các lựa chọn để có được địa điểm mong muốn! Trong trường hợp không thê có được các địa điểm tốt như mong muốn, phương án B của anh chị là ở đâu? Làm sao để có khách hàng hay khách hàng đến với mình nếu như vị trí không như mong muốn?

5) When: thời điểm nào là thời điểm thuận lợi cho việc mở Spa? Những dịp nào có thể giúp khách hàng dễ chấp nhận thử những dịch vụ mới, dễ tiếp cận khách hàng?

6) How: làm sao để có thể tiếp cận khách hàng? làm sao để khách hàng biết có sự tồn tại của mình? làm sao để khách hàng thử dịch vụ của mình? Nếu họ đã thử, làm sao để họ trở thành khách hàng thường xuyên của mình? làm sao để có đủ lợi nhuận để duy trì công việc kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn?

Đây là nhưng câu hỏi cơ bản, anh chị cần hỏi và trả lời để định hình ý tưởng Spa của mình trước khi quyết định tiến xa hơn. Về chi tiết, Thảo sẽ viết vào các bài sau nhé. Nếu cần thêm thông tin gì, các anh chị có thể liên hệ với Thảo bằng cách comment trên bài viết.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo


Bài 1: Những điều cần làm trước khi mở 1 Spa

Có nhiều lý do để một người quyết định mở một công việc kinh doanh Spa. Có thể cô ấy đã làm trong ngành rất lâu, và am hiểu người tiêu dùng, không cam chịu làm thuê suốt đời, có thể cô ấy có một cơ hội bất ngờ, có thể cô ấy thấy tiềm năng quá lớn ở khu vực cô ấy sống, v.v... Còn lý do của là gì?

Dù lý do của bạn là gì thì bạn cũng cần cân nhấc và làm rất nhiều thứ trước khi mở một Spa. Nếu anh chị đã là một doanh nhân thành đạt trước đó rồi, thì việc lên kế hoạch phải làm các bước như thế nào có lẽ là đơn giản. Nhưng nếu anh chị mới lần đầu mở một công việc kinh doanh, thì đôi khi sẽ không biết bắt đầu công việc từ đâu. Thảo xin việc vài dòng suy nghĩ để chia sẻ vài ý kiến của mình với vai trò là một người ngoại đạo của ngành Spa. Hy vọng nhận được sự đóng góp ý kiến của các anh chị trong ngành để bài việc được hoàn hảo hơn để phần nào giúp cho các anh chị mới khởi nghiệp trong ngành Spa tranh được những rủi ro hay tổn thất ban đầu.

Thảo xin đi thẳng vào vấn đề. Theo Thảo thì trước khi mở một Spa để kinh doanh, anh chị về cơ bản cần phải làm các việc sau:

1) Định hình ý tưởng Spa của mình
2) Định vị Spa của mình
3) Viết ra ý tưởng Spa
4) Đặt tên và thông điệp
5) Kế hoạch marketing cơ bản cho Spa

Chi tiết của từng phần, Thảo sẽ cập nhật trong các bài viết riêng. Anh chị có thể nhấn vào các tiêu đề trên để vào bài viết nhé.

Mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý anh chị đọc giả.

Chân thành
Đoàn Trung Thảo